Trang chủ » Bệnh phụ khoa » Que tránh thai là gì? Quy trình cấy que tránh thai an toàn

Que tránh thai là gì? Quy trình cấy que tránh thai an toàn

Sử dụng que tránh thai là một phương pháp tránh thai được nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về phương pháp này. Vậy que tránh thai là gì? Cơ chế hoạt động của que tránh thai ra sao? Que tránh thai có những ưu và nhược điểm nào? Que tránh thai dùng cho nhóm đối tượng nào? Nếu bạn đang tìm hiểu về que tránh thai, mời bạn tham khảo bài viết sau.

Que tránh thai là gì?

Que tránh thai là một thanh nhựa nhỏ được cấy vào dưới da cánh tay của chị em phụ nữ. Trong que này chứa một hàm lượng nội tiết tố nhất định, có tác dụng ngăn ngừa quá trình thụ thai diễn ra.

Cấy que tránh thai là một thủ thuật nhanh chóng và nhẹ nhàng. Bạn được gây tê mặt trong cánh tay (bên tay không thuận, thường là tay trái), trước khi được luồn que cấy bằng dụng cụ chuyên biệt. Lúc này, que cấy giống như một que tăm mà bạn có thể dễ dàng cảm thấy dưới da.

Que tránh thai là hình thức ngừa thai tương đối dài hạn chỉ sau một lần cấy duy nhất. Đây cũng là dụng cụ dễ tháo lắp, khi muốn có con, bạn có thể đến cơ sở y tế để tháo que dễ dàng. Sau khi tháo, khả năng mang thai của bạn sẽ quay trở lại.

Que tránh thai
Que tránh thai

Các loại que tránh thai trên thị trường hiện nay

Trên thị trường có nhiều loại que tránh thai khác nhau. Chúng bao gồm:

  • Que tránh thai Norplant

Norplant là loại que tránh thai gồm 6 nang mềm. Nó có vỏ bằng chất dẻo sinh học, trong mỗi nang chứa 36 mg hormone Levonogestrel. Duy nhất có 1 nang chứa 68 mg hormone Etonogestrel.

Tác dụng tránh thai của Norplant có thể kéo dài từ 5 – 7 năm.

  • Que tránh thai Jadelle/ Sinoplant (Femplant)

Loại que tránh thai này gồm 2 nang, mỗi nang chứa 75mg hormone Etonogestrel (tức tổng liều lượng là 150mg). Loại que này có hiệu quả tránh thai lên đến 4 – 5 năm. Nhưng từ năm thứ 4 trở đi, khả năng ngừa thai của que tránh thai Jadelle/ Sinoplant sẽ dần giảm sút.

  • Que tránh thai Implanon

Que tránh thai Implanon chỉ có 1 nang duy nhất. Nó chứa 68mg hormone Etonogestrel, có tác dụng ngừa thai trong vòng 3 năm. Implanon đang là loại sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam. Bởi kỹ thuật cấy que Implanon khá đơn giản, mang lại hiệu quả ngừa thai cao, chi phí thực hiện lại phù hợp nhiều đối tượng phụ nữ.

Cơ chế hoạt động của que tránh thai

Trong que tránh thai có thành phần nội tiết tố sinh dục, cụ thể là levonorgestrel hay etonogestrel. Khi các hormone này đi vào cơ thể sẽ kích hoạt các thay đổi trong cơ thể. Những thay đổi ấy bao gồm:

– Làm chất nhày cổ tử cung trở nên đặc lại, bít chặt đường đi khiến tinh trùng không thể di chuyển vào trong buồng tử cung được.

– Quá trình rụng trứng bị ngăn cản, đồng thời làm mỏng nội mạc tử cung.

Nếu bạn thực hiện cấy que tránh thai trong 5 ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt (ngày đầu được tính là ngày bắt đầu hành kinh): Lúc này que tránh thai sẽ ngay lập tức có tác dụng.

Nếu bạn cấy que vào thời điểm khác trong chu kỳ kinh nguyệt của mình: Sau 7 ngày tác dụng của que tránh thai mới được đảm bảo. Do đó trong 7 ngày này, bạn cần dùng biện pháp tránh thai khác nếu quan hệ tình dục.

Trước khi cấy que tránh thai, bạn cần thăm khám để đảm bảo bản thân đáp ứng đủ điều kiện dùng que cấy. Sau khi cấy que vào cơ thể và que cấy đã có tác dụng, bạn không cần áp dụng thêm bất cứ phương pháp ngừa thai nào khác.

Đối tượng nào có thể sử dụng que tránh thai?

Hầu hết chị em phụ nữ đều có thể sử dụng que tránh thai. Tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp ngoại lệ, bác sĩ khuyến cáo không thể dùng. Những trường hợp đó là:

  • Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.
  • Phụ nữ đang bị các bệnh lý về huyết khối hoặc có tiền sử mắc các bệnh này.
  • Phụ nữ có u gan hoặc đang mắc bệnh về gan.
  • Phụ nữ bị chảy máu vùng kín bất thường, không rõ nguyên nhân.
  • Phụ nữ đang bị ung thư vú, có tiền sử bị ung thư vú hoặc những bệnh ung thư khác nhạy cảm với thành phần progestin trong que cấy.
  • Những phụ nữ mắc bệnh dị ứng.

Ngoài ra, việc cấy que tránh thai có thể không hiệu quả nếu chị em đang uống một số loại thuốc. Ví dụ như thuốc động kinh, thuốc chống virus. Lúc này bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phương án xử lý thích hợp.

Ưu điểm khi sử dụng que tránh thai

Que tránh thai có rất nhiều ưu điểm khi sử dụng. Những ưu điểm đó gồm:

  • Hiệu quả tránh thai cao

Hiệu quả tránh thai của que cấy có thể lên đến 99,95%, tức là đã ngang bằng với biện pháp triệt sản ở nữ giới. Chỉ khi tháo que cấy, khả năng thụ thai tự nhiên mới được phục hồi.

  • Chỉ thực hiện một lần duy nhất là có thể tránh thai được 3 năm

Tỷ lệ thành công của que tránh thai có thể nói là tối ưu. Chỉ cần cấy que 1 lần duy nhất, trong vòng 3 năm bạn sẽ không cần phải lo lắng về vấn đề mang thai ngoài ý muốn. Đặc biệt, phương pháp này không gây ảnh hưởng gì đến đời sống vợ chồng của bạn.

  • Phù hợp với nhiều nhóm đối tượng

Đây là ưu điểm rõ rệt so với nhiều phương pháp tránh thai khác. Cụ thể, người mẹ đang cho con bú (khi bé đạt 6 tuần tuổi trở lên) những người bị u xơ tử cung đều sử dụng được que tránh thai. Phương pháp này cũng có thể áp dụng cho những trường hợp không dùng được thuốc tránh thai dạng viên, những người hay quên uống thuốc. Đặc biệt, người bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, người hút thuốc lá… đều có thể cấy que tránh thai.

  • Nhanh chóng phục hồi khả năng có thai

Quy trình rút que cấy cũng tương đối dễ dàng. Do đó khi muốn có thai trở lại, bạn có thể đến cơ sở y tế rút que bất cứ lúc nào. Lúc này khả năng có thai sẽ nhanh chóng quay trở lại, chị em không bị ảnh hưởng gì.

  • Thủ thuật đơn giản, kín đáo, an toàn

Đây là một thủ thuật nhỏ, không phức tạp và có thể tiến hành chỉ trong vòng vài phút. Que cấy được cấy vào trong cánh tay nên rất kín đáo, người ngoài nhìn vào cũng khó có thể nhận ra.

Nhược điểm khi sử dụng que tránh thai

Những nhược điểm của phương pháp cấy que tránh thai gồm:

  • Thủ thuật cấy que tránh thai có chi phí cao hơn so với phương pháp đặt vòng TCu.
  • Que cấy không giúp bạn ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ví dụ như giang mai, sùi mào gà, lậu, HIV, viêm gan B… Do đó nếu muốn ngăn ngừa các bệnh này, bạn cần sử dụng bao cao su.
  • Một số vấn đề bất thường có thể xảy ra: nhiễm trùng chỗ cấy, tụ máu, dị ứng, que cấy dịch chuyển (dưới 2 cm). Tuy nhiên tỷ lệ bất thường không cao, chỉ từ 0,2 – 1%.
  • Có trường hợp que cấy bị cong, gây ảnh hưởng đến cơ quan xung quanh vị trí cấy que.

Do đó bạn nên chú ý đến những dấu hiệu bất thường của cơ thể sau khi cấy que, từ đó có thể sớm xử lý những bất thường này.

Tác dụng phụ của que tránh thai

Các tác dụng phụ bạn gặp phải ở những tháng đầu sau khi cấy que gồm:

  • Nhức đầu (16%)
  • Nổi mụn (12%)
  • Tăng cân (12%)
  • Căng vú (10%)
  • Thay đổi tính khí (6%).
  • Thay đổi kinh nguyệt: lượng máu kinh tiết ra có thể ít đi, thậm chí có khi không còn kinh nguyệt. Đây không phải là bệnh mà là do tác dụng của nội tiết tố có trong que cấy. Khi tháo que cấy ra, kinh nguyệt của bạn mới trở lại như bình thường. Tuy nhiên cũng có trường hợp máu kinh chảy ra nhiều hơn và dễ khiến bạn bị rong kinh.

Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể dùng thuốc do bác sĩ chỉ định. Nếu tình trạng đó vẫn diễn ra khiến bạn cảm thấy lo lắng, bạn hãy cân nhắc lấy que tránh thai ra ngoài.

Khi nào nên thực hiện cấy que tránh thai

Chỉ cần bạn chắc chắn bản thân không mang thai, có thể thực hiện cấy que tránh thai bất cứ lúc nào. Thời điểm cụ thể thường được ấn định là 5 ngày đầu kể từ khi hành kinh, 5 ngày đầu sau khi sẩy thai hoặc trong 21 ngày sau sinh. Cấy que ở những thời điểm này, bạn không cần dùng biện pháp tránh thai khác.

Những dấu hiệu bất thường sau khi cấy que tránh thai

Có nhiều dấu hiệu bất thường của cơ thể bạn nên để ý sau khi cấy que tránh thai. Chúng bao gồm:

  • Chân đau dai dẳng.
  • Ngực đau và cảm thấy nặng, khó thở, ho ra máu, đau đầu.
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Ví dụ như mặt, lưỡi hoặc hầu sưng, phát ban, khó nuốt.
  • Cánh tay, cẳng chân yếu và tê.
  • Mắt vàng đi.
  • Sốt, chán ăn, mệt mỏi, khó ngủ, thay đổi tâm trạng, nước tiểu sẫm màu.
  • Ra quá nhiều máu kinh, bụng dưới đau dữ dội.

Khi gặp các triệu chứng bất thường kể trên, bạn cần tới ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và xử lý.

Quy trình cấy que tránh thai

Trước khi cấy que tránh thai, bác sĩ sẽ đánh giá chất lượng, tính ổn định của que cấy. Sau đó bác sĩ kiểm tra xem bạn có đủ điều kiện để thực hiện cấy que tránh thai hay không.

Thủ thuật cấy que sau đó tiến hành như sau:

  • Tiêm một lượng nhỏ thuốc tê vào cánh tay không thuận (thường là tay trái) của bạn.
  • Chờ thuốc tê có tác dụng, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ hỗ trợ cấy vô trùng để tiến hành cấy que vào dưới da cánh tay. Quá trình này chỉ diễn ra trong vài phút.
  • Vùng cấy được quấn băng và giữ trong 24 giờ.

Sau khi cấy, bạn sẽ được cho về nhà và theo dõi những biểu hiện của cơ thể, bao gồm cả biểu hiện bất thường (nếu có).

Ngoài ra, những phụ nữ muốn lấy que tránh thai ra khỏi cơ thể cũng được thực hiện tương tự. Đầu tiên bạn được tiêm thuốc tê. Sau đó bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên da cánh tay để lấy que cấy qua vết rạch. Cuối cùng bạn được băng bó và có thể ra về ngay. Quy trình này cũng chỉ kéo dài vài phút.

Trên đây là các kiến thức tổng quan xoay quanh que tránh thai. Hy vọng bài viết có thể giúp bạn đưa ra lựa chọn hợp lý khi có nhu cầu tránh thai.

  |   06/10/2020